Tru Tiên là tiểu thuyết giả tưởng thần tiên kiếm hiệp do ngòi bút sắc bén mới nổi là Tiêu Đỉnh trứ tác. Từ khi xuất hiện vào năm 2003, Tru Tiên đã gây một làn sóng lớn trong văn học Trung Quốc, cùng với “Phiêu Diểu Chi Lữ”, “Tiểu Binh Truyền Kỳ” tề danh “Tam đại kỳ thư Internet”, thậm chí được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển, sánh ngang với các tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long, và Hoàn Châu Lâu Chủ.
Trong tiểu thuyết giả tưởng Tru Tiên, Tiêu Đỉnh đã sử dụng bút pháp tiểu thuyết võ hiệp truyền thống để dẫn dắt câu chuyện, đưa nội dung chính là tình cảm lồng vào trong một thế giới quỷ ma. Giữa máu đỏ và chiến tranh, tình yêu trong sáng tươi đẹp mỗi lần xuất hiện đều đem theo vầng hào quang rọi sáng cả bầu trời.
Thế gian ngày nay, chính đạo đang mạnh, tà ma tránh lui. Vùng đất trung nguyên sơn linh thủy tú, nhân khí cường thịnh, sản vật phong phú, là nơi chiếm cứ bền vững của các chính phái, trong đó đặc biệt có ba phái lớn đứng đầu, là Thanh Vân Môn, Thiên Âm Tự và Phần Hương Cốc. Câu chuyện này, bắt đầu từ “Thanh Vân Môn”.
Trương Tiểu Phàm – nhân vật chính, là một thiếu niên bình thường, nhưng vận mệnh đã cợt đùa với hắn không chỉ một lần… Ý nghĩa duy nhất giúp hắn tồn tại là tình yêu, tình yêu là tấm phao cứu mệnh, là tín ngưỡng và tôn giáo duy nhất của đời hắn. Qua sự vật vã của Trương Tiểu Phàm, mới thấy sự trưởng thành của một người đàn ông gian nan biết bao. Tru Tiên thực chất là một bộ tiểu thuyết nói về sự trưởng thành, nói về tình cảm. Soi vào số phận Trương Tiểu Phàm, ta tìm thấy phần nào đó số phận riêng ta.
Đạo Giáo: Thái Cực Huyền Thanh Đạo gồm ba cảnh giới Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đệ tử Thanh Vân Môn, kể cả những người thông minh tài trí, suốt cuộc đời giỏi lắm là đột phá được đến Ngọc Thanh Cảnh, nhưng cũng chỉ loanh quanh tại đó, mà tu hành được đến tầng cao nhất của Ngọc Thanh Cảnh cũng đã là một việc hiếm thấy xưa nay.
Phật Giáo: Tu chân luyện khí nhất thiết phải tách hẳn mình khỏi mối liên hệ với ngoại giới, để ngộ ra tự tính. Tu chân của Phật giáo chú trọng đến lĩnh hội tự thân, nhận ra ngũ uẩn chính là đạo lý “có thể lấy bát nhã mà độ ra trí tuệ bốn phương tám hướng”.
Tiên Hiệp, Kiếm Hiệp